Solution Architect là gì? Mô tả công việc và vai trò của Solution Architect
Trong thời đại số hóa, công nghệ không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà đã trở thành nền tảng cốt lõi giúp doanh nghiệp vận hành, mở rộng và cạnh tranh. Thế nhưng để có thể phát triển được những công nghệ đáp ứng yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp, khách hàng là điều không hề dễ dàng. Chính vì thế, Solution Architect đóng vai trò then chốt trong việc kết nối công nghệ phù hợp với chiến lược kinh doanh, đảm bảo sản xuất ra sản phẩm công nghệ đúng với yêu cầu của doanh nghiệp và khách hàng.
Vậy cụ thể Solution Architect là gì? Công việc và vai trò của Solution Architect là gì? Hãy cùng Trainocate Vietnam tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1. Solution Architect là gì?
Solution Architect (Kiến trúc sư giải pháp) là những người chịu trách nhiệm thiết kế và tư vấn các giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp, khách hàng nhằm đáp ứng mục tiêu, chiến lược kinh doanh. Nói cách khác, Solution Architect giải quyết yêu cầu của khách hàng, doanh nghiệp bằng cách thiết kế và tư vấn các giải pháp công nghệ phù hợp.
Solution Architect không chỉ có một loại duy nhất, mà có thể chia thành nhiều vai trò chuyên biệt tùy theo lĩnh vực và phạm vi công việc như Cloud Solution Architect, Solution Architect AWS, Solution Architect Azure, Enterprise Solution Architect, Software Solution Architect Security Solution Architect,... Tuy nhiên trong bài viết này, Trainocate Vietnam sẽ chỉ đề cập đến vị trí Solution Architect nói chung.
2. Vai trò và công việc của Solution Architect là gì?
Vậy Solution Architect là làm gì? Như đã đề cập phía trên, Solution Architect có vai trò kết nối giữa nhu cầu kinh doanh và giải pháp công nghệ, giúp xây dựng hệ thống phần mềm tối ưu, bền vững và hiệu quả. Họ không chỉ đi tìm câu trả lời cho những yêu cầu của khách hàng, doanh nghiệp mà còn là người định hướng, dẫn dắt các chiến lược công nghệ một cách hiệu quả và đem lại thành công tốt nhất.
Có thể nói, Solution Architect có vai trò cực kỳ vất vả khi phải đáp ứng được cả yếu tố về chiến lược, tư duy kinh doanh cũng như chuyên môn về kỹ thuật. Công việc của Solution Architect về cơ bản có những đầu mục như sau:
Phân tích yêu cầu và xác định giải pháp
- Làm việc với CEO, CTO, Product Owner, khách hàng để hiểu nhu cầu.
- Chuyển đổi yêu cầu kinh doanh thành giải pháp kỹ thuật khả thi.
- Tư vấn và giải thích công nghệ cho cả đội ngũ kỹ thuật lẫn lãnh đạo.
Định hướng và thiết kế kiến trúc hệ thống
- Định hình chiến lược công nghệ dài hạn cho doanh nghiệp.
- Chọn kiến trúc phù hợp (Monolithic, Microservices, Serverless...).
- Đảm bảo hệ thống có hiệu suất cao, dễ mở rộng, bảo mật tốt.
Đánh giá và lựa chọn công nghệ phù hợp
- Phân tích nhiều giải pháp công nghệ, chọn cái phù hợp nhất.
- Đảm bảo công nghệ đáp ứng cả functional & non-functional requirements.
Hỗ trợ và hướng dẫn đội ngũ kỹ thuật
- Trao đổi, truyền tải yêu cầu của khách hàng, doanh nghiệp cho đội ngũ chuyên môn
- Hỗ trợ team Dev, DevOps, QA trong quá trình triển khai giải pháp.
- Đưa ra best practices về coding, CI/CD, cloud, security.
- Giải quyết các vấn đề kỹ thuật khó, giúp tối ưu hiệu suất hệ thống.
Solution Architect là một công việc mang tính chiến lược và kỹ thuật cao, đóng vai trò cầu nối giữa kinh doanh và công nghệ. Các chuyên gia phải chịu trách nhiệm phân tích yêu cầu, thiết kế kiến trúc hệ thống, chọn công nghệ phù hợp và hỗ trợ triển khai giải pháp. Đây là vị trí có tầm ảnh hưởng lớn, đòi hỏi khả năng tư duy hệ thống, giải quyết vấn đề và giao tiếp tốt, đồng thời yêu cầu kinh nghiệm thực tế sâu rộng.
3. Những câu hỏi thường gặp về Solution Architect
3.1. Học gì để trở thành Solution Architect?
Solution Architect không phải vị trí dành cho những người với bước chân vào ngành. Đây là vị trí cấp cao trong ngành CNTT, dành cho những chuyên gia có kinh nghiệm từ 5-10 năm tại các vị trí như Senior Developer, Technical Lead hoặc DevOps Engineer và yêu cầu phải có kinh nghiệm thực tế sâu rộng để đưa ra các giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trở thành Solution Architect, hãy bắt đầu bằng các vị trí thấp và trau dồi kĩ năng, kinh nghiệm chuyên sâu về:
- Kiến thức chuyên môn về lập trình, hệ thống, phát triển phần mềm, thiết kế phần mềm.
- Kiến thức về Cloud, DevOps, bảo mật hệ thống và quản lý dữ liệu.
- Khả năng giao tiếp, trình bày, thuyết phục với đội ngũ CEO, CTO và đội ngũ kỹ thuật
- Tư duy phân tích, tư duy chiến lược về kinh doanh và kỹ thuật
- Các chứng chỉ quốc tế (AWS Certified Solutions Architect - Associate, AWS Certified Solutions Architect - Professional, AZ-305: Azure Solutions Architect Expert,..)
Nhìn chung, lộ trình để trở thành Solution Architect đòi hỏi cần phải có thời gian tích lũy và trau dồi liên tục. Vậy nên, các bạn hãy cứ bắt đầu và phát triển dần dần nhé!
3.2. Làm Solution Architect thì không cần phải biết code - quan điểm này đúng hay sai?
Quan điểm này hoàn toàn sai. Thực tế SA không code hằng ngày, nhưng vẫn cần biết code vì:
- SA phải đưa ra giải pháp tối ưu hiệu suất, bảo mật, khả năng mở rộng, nên nếu không hiểu về code thì rất khó đánh giá tính khả thi của giải pháp.
- SA thường cần code prototype, đánh giá giải pháp hoặc hỗ trợ team giải quyết vấn đề phức tạp.
- Nếu không hiểu code, SA khó truyền đạt ý tưởng và dễ bị đội ngũ kỹ thuật phản biện.
3.3. Solution Architect lương có cao không?
Với khối lượng và đặc thù công việc như vậy thì chắc chắn mức lương của Solution Architect là rất cao. Tại Việt Nam mức lương của SA sẽ giao động từ 50 - 150 triệu VNĐ/ tháng tùy vào vai trò, kinh nghiệm.
Ngoài mức lương cao, vị trí này còn mở ra rất nhiều cơ hội khác như:
- Các khoản thưởng dự án, cổ phiếu (ESOP), và các cơ hội làm việc quốc tế.
- SA không chỉ thiết kế giải pháp mà còn có tiếng nói quan trọng trong việc quyết định công nghệ, kiến trúc, và hướng đi của dự án.
- Học hỏi công nghệ mới và phát triển kỹ năng liên tục
- Cơ hội thăng tiến lên các vị trí như CTO hay Technical Director.
3.4. Solution Architect có vất vả không?
Công việc của SA không chỉ có làm việc với chuyên môn, kỹ thuật mà còn phải giao tiếp với khách hàng, cấp trên và nhiều bộ phận liên quan. Đây là công việc đòi hỏi khả năng:
- Chịu áp lực cao từ nhiều phía: SA không chỉ làm việc với kỹ thuật mà còn phải thuyết phục lãnh đạo doanh nghiệp về giải pháp của mình. Họ phải đối mặt với nhiều yêu cầu mâu thuẫn, ví dụ như giữ chi phí thấp nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu suất cao.
- Không chỉ giỏi kỹ thuật mà còn phải giỏi giao tiếp: Một SA không chỉ cần giỏi về kiến trúc phần mềm, cloud, bảo mật, DevOps mà còn phải có kỹ năng mềm để trình bày, thương lượng và giải thích giải pháp của mình cho nhiều đối tượng khác nhau.
- Cần kinh nghiệm thực tế cao: Không giống như lập trình viên, một SA phải có kinh nghiệm thực tế sâu rộng để đưa ra các giải pháp phù hợp. Điều này có nghĩa là công việc này không dành cho người mới vào nghề, mà thường yêu cầu từ 5-10 năm kinh nghiệm trong ngành.
Kết luận
Solution Architect là vị trí cốt lõi trong việc thiết kế và định hướng hệ thống công nghệ, giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu suất, bảo mật và chi phí. Họ đóng vai trò cầu nối giữa kinh doanh và công nghệ, đảm bảo rằng các giải pháp IT không chỉ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật mà còn mang lại giá trị thực tiễn. Với nhu cầu ngày càng cao từ các doanh nghiệp, SA trở thành một trong những nghề có mức lương cao và cơ hội phát triển mạnh mẽ nhất trong ngành CNTT.
Để trở thành một Solution Architect chuyên nghiệp, bạn cần kinh nghiệm thực tế và khả năng hiểu sâu về kiến trúc hệ thống, cloud computing, bảo mật và DevOps, đồng thời trang bị tư duy chiến lược và kỹ năng giao tiếp. Một trong những cách nhanh nhất để nâng cao trình độ và tăng cơ hội thăng tiến là sở hữu chứng chỉ quốc tế từ AWS, Azure hoặc Google Cloud.
Nâng cao ngay kỹ năng chuyên môn để trở thành Solution Architect với các khóa đào tạo chính hãng tại Trainocate Vietnam. Với 30 năm kinh nghiệm đào tạo CNTT trên khắp thế giới, Trainocate mang đến những khóa đào tạo chính hãng từ AWS, Azure, Google Cloud và hơn 30 tập đoàn công nghệ khác. Hãy liên hệ ngay để được tư vấn chi tiết về các khóa đào tạo chứng chỉ Solution Architect hàng đầu tại Trainocate Vietnam!