CÔNG TY TNHH TRAINOCATE VIỆT NAM
Điện toán đám mây là gì? Tổng quan, ưu điểm và nhược điểm

Blog

Điện toán đám mây là gì? Tổng quan, ưu điểm và nhược điểm

Điện toán đám mây (Cloud Computing) có thể được hiểu đơn giản như là một dịch vụ giúp bạn sử dụng các tài nguyên công nghệ qua Internet. Với sự phát triển mạnh mẽ, điện toán đám mây đã và đang được ứng dụng rất nhiều trong đời sống của chúng ta. Vậy cụ thể điện toán đám mây là gì? Đặc điểm, lợi ích của điện toán đám mây ra sao? Hãy cùng Trainocate Vietnam tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Điện toán đám mây là gì? Tổng quan, ưu điểm và nhược điểm

 

1. Điện toán đám mây là gì? Khái niệm về điện toán đám mây.

Điện toán đám mây (cloud computing) là một mô hình cung cấp các dịch vụ điện toán qua mạng internet, cho phép người dùng truy cập và sử dụng tài nguyên máy tính (như máy chủ, lưu trữ, cơ sở dữ liệu, phần mềm) mà không cần phải sở hữu hoặc quản lý hạ tầng phần cứng. Các dịch vụ này được cung cấp từ các trung tâm dữ liệu từ xa, giúp giảm bớt chi phí và tăng tính linh hoạt trong việc quản lý và triển khai các ứng dụng và dữ liệu.

  • Theo NIST (National Institute of Standards and Technology): “Điện toán đám mây là một mô hình tiện ích cho phép truy cập mạng đến các tài nguyên tính toán cấu hình linh hoạt và chia sẻ, từ đó cung cấp dịch vụ tính toán trên cơ sở hạ tầng đám mây”.

  • Theo Gartner: “Điện toán đám mây là việc sử dụng các tài nguyên máy tính (phần cứng và phần mềm) qua mạng, với chi phí dựa trên mức sử dụng”.

 

Một cách dễ hiểu, điện toán đám mây là một dịch vụ giúp bạn sử dụng các tài nguyên công nghệ (như phần mềm, lưu trữ dữ liệu, và máy chủ) qua Internet mà không cần phải sở hữu chúng trực tiếp. Bạn không cần phải mua máy tính mạnh mẽ, không cần phải cài đặt phần mềm hay lo lắng về việc duy trì hệ thống. Tất cả những gì bạn cần là một kết nối internet để truy cập và sử dụng các dịch vụ này.

 

2. Các ví dụ về điện toán đám mây trong đời sống

Lợi ích của điện toán đám mây thể hiện rất rõ trong đời sống của chúng ta ngày nay. Dễ thấy như các ứng dụng công việc, kết nối, mạng xã hội đều được phát triển và ứng dụng bởi điện toán đám mây.

2.1 Dịch vụ lưu trữ đám mây

Một trong những ví dụ dễ thấy nhất về dịch vụ điện toán đám mâcy trong đời sống đó chính là các dịch vụ lưu trữ như Google Drive, Dropbox, OneDrive,… Đây là những dịch vụ lưu trữ đám mây phổ biến giúp người dùng lưu trữ, chia sẻ và truy cập tài liệu, hình ảnh, video từ bất kỳ đâu có kết nối internet. Người dùng có thể đồng bộ hóa các tệp giữa nhiều thiết bị như máy tính, điện thoại và máy tính bảng.

 

2.2 Ứng dụng, mạng xã hội, công cụ trực tuyến

Các mạng xã hội như Instagram, Facebook, Snapchat đều sử dụng đám mây để lưu trữ hình ảnh, video và dữ liệu người dùng, giúp người dùng truy cập thông tin và chia sẻ nội dung trực tuyến từ bất kỳ đâu. Hay với những công cụ như Microsoft 365, Gmail, Google Sheet,…người dùng có thể tạo, chỉnh sửa và chia sẻ tài liệu trực tuyến trong thời gian thực với người khác. Những ứng dụng này đều hoạt động trên nền tảng đám mây, giúp công việc trở nên linh hoạt và tiện lợi hơn.

Các công cụ giao tiếp trực tuyến như Skype, Zoom và Microsoft Teams đều dựa vào đám mây để lưu trữ và quản lý các cuộc trò chuyện, cuộc họp video, và tài liệu chia sẻ. Người dùng có thể giao tiếp và hợp tác hiệu quả dù làm việc ở các địa điểm khác nhau. Một số các thiết bị trong nhà như camera an ninh, máy điều hòa, và các thiết bị điện tử khác thường được kết nối với điện toán đám mây để quản lý và điều khiển từ xa qua các ứng dụng trên điện thoại.

 

Ngoài ra, công nghệ điện toán đám mây còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế, giáo dục, ngân hàng,…..Có thể thấy các tính năng, tiện ích của các công cụ trực tuyến chúng ta sử dụng hằng ngày đều được áp dụng và phát triển bởi công nghệ điện toán đám mây.

 

3. Đặc điểm và các dịch vụ chủ yếu của điện toán đám mây

3.1 Đặc điểm của điện toán đám mây

Các đặc điểm nổi bật của điện toán đám mây bao gồm:

  • Khả năng mở rộng linh hoạt và chi phí thấp: Giả sử công ty bạn muốn lưu trữ các dữ liệu số vào bộ nhớ, thì yêu cầu phải xây dựng và lắp đặt một bộ nhớ (phần cứng) đủ to, đủ khỏe để có thể chưa tất cả các thông tin. Nhưng việc xây dựng và lắp đặt các hệ thống đó tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí, vậy nên điện toán đám mây chính là giải pháp cho vấn đề này. Tùy theo nhu cầu sử dụng, bạn có thể mở rộng hoặc thu nhỏ tài nguyên trên điện toán đám mây một cách dễ dàng và linh hoạt.. Bạn có thể thêm hoặc giảm bớt tài nguyên (máy chủ, dung lượng lưu trữ, băng thông,… ) chỉ trong vài phút mà không cần phải đầu tư vào phần cứng mới, như vậy sẽ tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.

  • Truy cập nhanh chóng, thuận tiện: Các dịch vụ điện toán đám mây có thể truy cập mọi lúc mọi nơi từ các thiết bị khác nhau, miễn là nơi đó bạn có két nối Internet

  • Cập nhật và bảo trì tự động: Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây sẽ tự động xử lý việc cập nhật hệ thống, vá lỗi và bảo trì, giúp người dùng luôn sử dụng phiên bản phần mềm mới nhất mà không cần thực hiện bất kỳ thao tác thủ công nào.

  • Ảo hóa (Virtualization): Điện toán đám mây thường sử dụng công nghệ ảo hóa, cho phép chạy nhiều máy ảo trên một máy chủ vật lý duy nhất. Điều này giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm chi phí phần cứng và quản lý tài nguyên dễ dàng hơn.

 

Điện toán đám mây là gì? Tổng quan, ưu điểm và nhược điểm

 

3.2 Các loại dịch vụ chủ yếu của điện toán đám mây

Có 3 loại dịch vụ chủ yếu của điện toán đám mây đó là:

  • IaaS (Cơ sở hạ tầng như một dịch vụ): Cung cấp tài nguyên tính toán ảo qua internet (ví dụ: AWS EC2, Microsoft Azure).

  • PaaS (Nền tảng như một dịch vụ): Cung cấp nền tảng để phát triển, triển khai và quản lý ứng dụng mà không cần lo lắng về cơ sở hạ tầng (ví dụ: Google App Engine, AWS Elastic Beanstalk).

  • SaaS (Phần mềm như một dịch vụ): Cung cấp phần mềm ứng dụng qua internet, người dùng có thể sử dụng mà không cần cài đặt hoặc duy trì (ví dụ: Gmail, Salesforce, Dropbox).

 

Đây được coi là 3 dịch vụ chủ yếu, được sử dụng thường xuyên của điện toán đám mây. Ngoài ra, điện toán đám mây còn có các dịch vụ khác như: FaaS, CaaS, BaaS,…. Để tìm hiểu chi tiết hơn về các dịch vụ này, bạn có thể tìm đọc các tài liệu chính thức từ các nhà cung cấp điện toán đám mây như AWS Documentation, Microsoft Documentation, Google Cloud Documentation,… hoặc tham gia các khóa học về điện toán đám mây tại Trainocate Vietnam.

 

4. Các mô hình điện toán đám mây

Mô hình đám mây liên quan đến cách thức triển khai và cung cấp các dịch vụ đám mây, thể hiện cách người dùng truy cập và sử dụng các tài nguyên trong đám mây. Mô hình đám mây chủ yếu phân loại theo phương thức triển khai hoặc môi trường đám mây. Các mô hình triển khai đám mây bao gồm:

  • Public Cloud (Đám mây công cộng): Các tài nguyên đám mây được chia sẻ và cung cấp cho tất cả người dùng (ví dụ như AWS, Google Cloud, Azure).

  • Private Cloud (Đám mây riêng): Đám mây riêng được sử dụng bởi một tổ chức duy nhất và có thể được triển khai trên cơ sở hạ tầng nội bộ của tổ chức đó hoặc được cung cấp bởi một nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài nhưng chỉ dành riêng cho tổ chức đó. (ví dụ như đám mây của chính phủ)

  • Hybrid Cloud (Đám mây lai): Sự kết hợp giữa đám mây công cộng và đám mây riêng, cho phép tổ chức di chuyển dữ liệu và ứng dụng giữa hai môi trường.

  • Community Cloud (Đám mây cộng đồng): Đám mây cộng đồng là một môi trường đám mây được chia sẻ giữa các tổ chức có chung mục tiêu hoặc yêu cầu, như các tổ chức trong cùng một ngành hoặc có cùng yêu cầu về bảo mật. (ví dụ như các tổ chức chính phủ trong một quốc gia có thể sử dụng đám mây cộng đồng để chia sẻ dữ liệu và ứng dụng.)

 

5. Ưu điểm và nhược điểm của điện toán đám mây

5.1. Ưu điểm của điện toán đám mây

Từ những đặc điểm của điện toán đám mây, chúng ta có thể thấy những ưu điểm vượt trôi mà điện toán đám mây mang lại

  • Linh hoạt và tiết kiệm chi phí

Bạn muốn mở rộng tài nguyên bao nhiêu, muốn sử dụng bao nhiêu dịch vụ đều do bạn quyết định. Với phương thức “pay-as-you-go”, bạn chỉ cần trả tiền cho tài nguyên sử dụng thực tế, mà không lo việc thiếu hay thừa tài nguyên. Doanh nghiệp không phải chi số tiền lớn để thuê nhân sự IT, mua và bảo trì thiết bị các cơ sở vật chất hoặc xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, từ đó tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều.

  • Dễ dàng truy cập, quản lý và sử dụng

Với điện toán đám mây, bạn có thể truy cập dữ liệu và ứng dụng từ bất nơi đâu miễn là có kết nối Internet. Điện toán đám mây giúp bạn làm việc từ xa và nâng cao tính di động cho người sử dụng, có thể được triển khai nhanh chóng mà không cần lo lắng về việc cài đặt hoặc duy trì phần cứng.

  • Khả năng hợp tác và làm việc nhóm hiệu quả

Điện toán đám mây giúp tăng cường khả năng hợp tác trong công việc, khi nhiều người có thể chỉnh sửa tài liệu và dữ liệu trực tuyến đồng thời, cải thiện năng suất làm việc nhóm. Các ưu điểm này giúp doanh nghiệp và cá nhân sử dụng đám mây tận dụng tối đa các công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí hoạt động.

  • Tự động cập nhật, bảo mật tốt và khả năng khôi phục dữ liệu

 

Như đã nói ở phần đặc điểm,các dịch vụ đám mây sẽ thường xuyên cập nhật phần mềm và các tính năng mới nhất mà không yêu cầu người dùng thực hiện bất cứ thao tác nào. Tính bảo mật cũng được đảm bảo vì các nhà cung cấp đều sử dụng các biện pháp bảo mật mạnh mẽ và cung cấp các giải pháp sao lưu, khôi phục dữ liệu tự động, giúp bảo vệ dữ liệu và đảm bảo tính liên tục của hoạt động doanh nghiệp.

 

Điện toán đám mây là gì? Tổng quan, ưu điểm và nhược điểm

 

5.2. Nhược điểm của điện toán đám mây

  • Phụ thuộc vào mạng Internet

Vì các hoạt động của điện toán đám mây đều cần sử dụng Internet nên việc gặp các sự cố về đường truyền hay mạng không ổn định sẽ làm cho việc truy cập vào dữ liệu hoặc ứng dụng sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc.

  • Vấn đề bảo mật và tính riêng tư:

Bảo mật thường được coi là thách thức lớn nhất mà điện toán đám mây phải đối mặt. Khi sử dụng đám mây, dữ liệu của doanh nghiệp được lưu trữ trên các máy chủ bên ngoài (thường ở xa và không thuộc quyền kiểm soát trực tiếp) dẫn đến nguy cơ rò rỉ dữ liệu, hack API và giao diện, gặp các vấn về xác thực.

 

Kết luận

Bên cạnh các ưu điểm, người dùng cũng cần lưu ý đến một số nhược điểm điện toán đám mây vì đây là một lĩnh vực rộng lớn, có nhiều khía cạnh phức tạp. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho các bạn cái nhìn tổng quan nhất về điện toán đám mây. Để tìm hiểu chi tiết về cách thức triển khai các dịch vụ điện toán đám mây, bạn có thể tham gia các khóa đào tạo chĩnh hãng tại Trainocate Vietnam.

 

Tham khảo: Các khóa đào tạo đám mây chính hãng

Chia sẻ mạng xã hội:

Bình luận của bạn

Đăng ký tư vấn
cùng đội ngũ chuyên gia Trainocate!!

Bản quyền thuộc về Trainocate Việt Nam

back to top
icon đăng ký