CÔNG TY TNHH TRAINOCATE VIỆT NAM
SaaS là gì? Giải thích chi tiết, dễ hiểu về SaaS

Blog

SaaS là gì? Giải thích chi tiết, dễ hiểu về SaaS

Trong điện toán đám mây SaaS có nghĩa là gì? Đó là câu hỏi của không ít người khi mới tìm hiểu và bắt đầu sự nghiệp về lĩnh vực điện toán đám mây. SaaS không phải là một công nghệ mới, tuy nhiên tại Việt Nam đây vẫn là một thuật ngữ tương đối xa lạ với mọi người. Chính vì thế trong bài viết này, Trainocate Vietnam sẽ giải đáp một cách chi tiết và dễ hiểu về SaaS để mọi người cùng nắm được nhé!

 

SaaS là gì? Giải thích chi tiết, dễ hiểu về SaaS

 

1. Giải thích SaaS là gì?

SaaS (viết tắt của Software as a Service) là một cách thức cung cấp phần mềm cho người dùng qua Internet. Thay vì phải tải phần mềm về và cài đặt trên máy tính cá nhân, người dùng chỉ cần truy cập vào phần mềm trực tuyến qua trình duyệt web, ví dụ như Canva.

Trong điện toán đám mây, các nhà cung cấp sẽ lưu trữ và quản lý các phần mềm này và người dùng có thể sử dụng bất cứ lúc nào mà không cần lo về việc cài đặt hay bảo trì.

 

Tóm lại, SaaS trong điện toán đám mây là mô hình cung cấp phần mềm, không phải phần mềm cụ thể.

 

2. Ví dụ về phần mềm dạng SaaS

Phần mềm dạng SaaS hay SaaS product là gì? Là một sản phẩm phần mềm được cung cấp theo mô hình Software as a Service (SaaS). Điều này có nghĩa là phần mềm này không cần cài đặt trên máy tính của người dùng mà được cung cấp qua internet như một dịch vụ.

Các phần mềm SaaS phổ biến thường thấy trong công việc và đời sống như:

  • Netflix: Dịch vụ streaming (phát trực tuyến) cho phép người dùng xem các bộ phim, chương trình TV, tài liệu và video khác thông qua internet. Người dùng trả phí theo hình thức thuê bao hàng tháng để có quyền truy cập vào thư viện nội dung của Netflix mà không cần tải xuống hay cài đặt phần mềm.
  • Canva:  Công cụ thiết kế đồ họa trực tuyến, giúp người dùng tạo ra các thiết kế như poster, logo, bài thuyết trình, và nhiều loại đồ họa khác. Bạn chỉ cần truy cập qua trình duyệt web và có thể sử dụng các tính năng cơ bản miễn phí hoặc trả phí để sử dụng thêm các tính năng cao cấp.
  • Google Workspace: Bao gồm các ứng dụng như Gmail, Google Docs, Google Sheets, Google Drive. Đây là bộ công cụ giúp bạn quản lý email, tài liệu, bảng tính và lưu trữ dữ liệu trực tuyến. Bạn chỉ cần kết nối internet để sử dụng, không cần cài đặt phần mềm.
  • Zoom: Là một ứng dụng hội họp trực tuyến phổ biến, giúp mọi người kết nối qua video, âm thanh và chia sẻ màn hình trong các cuộc họp, lớp học hoặc sự kiện từ xa. Nó có thể lưu trữ các đoạn ghi hình mà không cần yêu cầu bạn tải về máy.

 

SaaS là gì? Giải thích chi tiết, dễ hiểu về SaaS

 

3. Cách thức hoạt động của SaaS

SaaS hoạt động thông qua mô hình cung cấp qua điện toán đám mây, nơi người dùng có thể truy cập các ứng dụng phần mềm qua internet thay vì cài đặt chúng trên các thiết bị như máy tính, điện thoại. Các nhà phát triển sẽ lưu trữ phần mềm và các dữ liệu liên quan lên trên đám mây của mình hoặc kí một hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây để lưu trữ ứng dụng tại trung tâm dữ liệu của nhà cung cấp đó.

Ví dụ như Canva sử dụng Amazon Web Services (AWS) làm nhà cung cấp dịch vụ đám mây chính. AWS cung cấp cho Canva hạ tầng đám mây, bao gồm các dịch vụ lưu trữ, tính toán và mạng, giúp nền tảng của Canva hoạt động mượt mà và có khả năng mở rộng linh hoạt để phục vụ hàng triệu người dùng trên toàn cầu.

Các ứng dụng , phần mềm dạng SaaS thường được truy cập qua trình duyệt web. Do đó, người dùng không phải chịu trách nhiệm về việc thiết lập và bảo trì phần mềm. Người dùng chỉ cần trả một khoản phí đăng ký để có quyền truy cập vào phần mềm.

 

Kiến trúc SaaS

Trong hệ thống SaaS, mỗi khách hàng được coi là một tenant (người thuê), và họ truy cập nền tảng thông qua việc trả phí đăng ký. Các kiến trúc SaaS chủ yếu chia thành hai loại:

  • Kiến trúc đa tenant (Multi-tenant architecture)

Đối với các ứng dụng và dịch vụ SaaS, phương pháp đa tenant thường được sử dụng, có nghĩa là tất cả khách hàng sẽ sử dụng chung một instance (bản sao) của ứng dụng, và ứng dụng này sẽ chạy trên các máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ. Dù các khách hàng sử dụng cùng một phiên bản phần mềm và cơ sở hạ tầng chung, nhưng dữ liệu của từng khách hàng vẫn được bảo mật và tách biệt.

Điều này giúp nhà cung cấp dịch vụ dễ dàng bảo trì và cập nhật phần mềm vì thay vì cập nhật từng bản sao riêng biệt, chỉ cần thay đổi một lần cho toàn bộ người dùng. Hơn nữa, mô hình này giúp tận dụng tài nguyên hiệu quả, cung cấp cho một số lượng lớn người dùng mà không làm giảm hiệu suất hoặc các đặc tính quan trọng như bảo mật, tốc độ và quyền riêng tư.

 

  • Kiến trúc đơn tenant (Single-tenant architecture)

Trong kiến trúc đơn tenant, mỗi khách hàng sẽ có một instance phần mềm riêng biệt, hoạt động trên một máy chủ riêng, mặc dù tất cả đều chia sẻ một cơ sở hạ tầng và cơ sở dữ liệu chung. Điều này có nghĩa là tài nguyên không được chia sẻ giữa các khách hàng và dữ liệu của họ luôn được giữ riêng biệt.

Kiến trúc này cung cấp nhiều quyền kiểm soát và khả năng tùy chỉnh cho khách hàng, tuy nhiên lại đòi hỏi nhà cung cấp phải quản lý nhiều bản sao phần mềm, do đó chi phí bảo trì và quản lý sẽ cao hơn.

 

4. Ưu điểm và nhược điểm của SaaS?

SaaS giúp các tổ chức không cần phải cài đặt và vận hành phần mềm trên máy tính của mình hay trong trung tâm dữ liệu. Điều này giúp giảm bớt chi phí mua phần cứng, bảo trì, cấp phép phần mềm, cài đặt và hỗ trợ.

 

Một số ưu điểm của mô hình SaaS bao gồm:

  • Thanh toán linh hoạt: Thay vì phải mua phần mềm hay phần cứng, khách hàng sẽ đăng ký dịch vụ SaaS theo hình thức thuê bao. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý chi phí hàng tháng và có thể dừng dịch vụ khi không cần thiết nữa.

  • Khả năng mở rộng: SaaS cho phép khách hàng sử dụng thêm hoặc giảm bớt dịch vụ tùy theo nhu cầu, giúp linh hoạt hơn trong việc sử dụng tài nguyên.

  • Giảm gánh nặng cho IT: Việc để nhà cung cấp SaaS quản lý phần mềm giúp giảm áp lực cho đội ngũ IT nội bộ, cho phép họ tập trung vào các công việc quan trọng hơn.

  • Cập nhật tự động: Nhà cung cấp SaaS sẽ tự động cập nhật và bảo trì phần mềm, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho đội ngũ IT của doanh nghiệp.

  • Truy cập dễ dàng và liên tục: SaaS hoạt động qua Internet, vì vậy người dùng có thể truy cập từ bất kỳ thiết bị nào có kết nối mạng và ở bất kỳ đâu.

  • Tùy chỉnh: Các ứng dụng SaaS thường có thể tùy chỉnh và dễ dàng tích hợp với các ứng dụng khác của doanh nghiệp.

  • Cải thiện hợp tác: Nhiều ứng dụng SaaS được thiết kế để nhiều người có thể làm việc cùng lúc trên cùng một dự án, từ đó nâng cao hiệu quả làm việc nhóm và năng suất.

  • Độ tin cậy cao: Các nhà cung cấp SaaS thường đầu tư mạnh vào bảo mật và khả năng phục hồi sau sự cố, giúp đảm bảo dịch vụ hoạt động ổn định với thời gian hoạt động lên đến 99% hoặc 99.9%.

  • Bảo mật tốt: Vì SaaS hoạt động tập trung, các nhà cung cấp thường có các biện pháp bảo mật mạnh mẽ như mã hóa, cập nhật thường xuyên và kiểm soát quyền truy cập nghiêm ngặt để bảo vệ dữ liệu.

 

Thách thức và rủi ro của SaaS

Mặc dù SaaS mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng có một số thách thức và rủi ro mà các doanh nghiệp cần lưu ý, vì họ phải dựa vào các nhà cung cấp bên ngoài để cung cấp, duy trì phần mềm và bảo vệ dữ liệu. Những rủi ro và thách thức đó bao gồm:

  • Vấn đề ngoài tầm kiểm soát: Các vấn đề có thể phát sinh khi nhà cung cấp gặp sự cố dịch vụ, thay đổi dịch vụ mà khách hàng không mong muốn hoặc gặp sự cố bảo mật, ảnh hưởng đến khả năng sử dụng dịch vụ SaaS. Do đó, khách hàng cần hiểu rõ thỏa thuận SLA (Service Level Agreement) với nhà cung cấp và đảm bảo rằng các điều khoản đó được thực thi.
  • Mất quyền kiểm soát phiên bản phần mềm: Khi nhà cung cấp cập nhật một phiên bản mới của phần mềm, tất cả khách hàng sẽ phải sử dụng phiên bản đó, kể cả khi họ không muốn. Điều này có thể yêu cầu tổ chức phải đào tạo lại nhân viên để làm quen với phiên bản mới.
  • Khó khăn trong việc thay đổi nhà cung cấp: Việc chuyển đổi nhà cung cấp dịch vụ SaaS có thể khó khăn, vì khách hàng phải di chuyển lượng dữ liệu lớn. Hơn nữa, một số nhà cung cấp sử dụng công nghệ riêng biệt, điều này làm phức tạp quá trình chuyển dữ liệu giữa các nhà cung cấp khác nhau. "Vendor lock-in" là tình trạng khi khách hàng không thể dễ dàng chuyển sang nhà cung cấp khác vì những rào cản này.
  • Bảo mật: Bảo mật là một trong những thách thức lớn của SaaS, do mô hình chia sẻ trách nhiệm giữa nhà cung cấp và khách hàng. Cả hai bên đều phải đảm bảo an toàn, điều này có thể tạo ra các khoảng trống bảo vệ. Các vấn đề như rò rỉ dữ liệu, cấu hình sai và thiếu khả năng giám sát môi trường đám mây có thể làm tăng nguy cơ bị tấn công mạng.
  • Quản lý chi phí: Mặc dù SaaS có thể tiết kiệm chi phí, nhưng việc quản lý chi phí cũng có thể phức tạp. Các tổ chức có thể gặp phải chi phí không lường trước được từ việc sử dụng tài nguyên quá mức hoặc không theo dõi hiệu quả sử dụng, khiến chi phí vượt xa lợi ích.

 

5. Kết luận

SaaS nói riêng và điện toán đám mây nói chung đã mang đến rất nhiều lợi ích cho cuộc sống của chúng ta. Không chỉ vượt trội ở tính năng linh hoạt, dễ dàng truy cập, SaaS cũng mang đến rất nhiều những lợi ích tuyệt vời khác cho cá nhân và doanh nghiệp đang kinh doanh, giảm thiểu chi phí và gánh nặng cho đội ngũ IT. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho mọi người những thông tin dễ hiểu về SaaS.

Xem thêm: Các khóa học điện toán đám mây chính hãng

Chia sẻ mạng xã hội:

Bình luận của bạn

Đăng ký tư vấn
cùng đội ngũ chuyên gia Trainocate!!

Bản quyền thuộc về Trainocate Việt Nam

back to top
icon đăng ký